I. Vovinam Việt Võ Đạo là gì?
Vovinam Việt Võ Đạo là môn võ thuật – võ đạo được Võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng lúc này hoạt động âm thầm, đến 1938 mới đem ra công khai đồng thời ông đề ra chủ thuyết “Cách mạng tâm thân” để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.

Về nội dung, Vovinam có hai phần: võ thuật Việt Nam (Việt Võ Thuật) và võ đạo Việt Nam (Việt Võ Ðạo)

Trong cái tên Vovinam Việt Võ Đạo thì Vovinam là gốc rễ, cội nguồn, còn Việt võ Ðạo là hoa trái của Vovinam sau quá trình mấy chục năm phát triển. Có thể gọi Vovinam hay Việt Võ Ðạo cũng Ðược. Cách gọi đầy đủ và đúng nhất là Vovinam Việt Võ Ðạo.

Vovinam là từ quốc tế hóa của từ võ thuật – võ đạo Việt Nam. Bên cạnh việc tập luyện võ thuật, binh khí, các võ sinh còn tập luyện ngoại công, khí công và coi trọng việc trau dồi nhân tính. Vovinam có các đòn bay cao kẹp cổ nổi tiếng còn gọi là “Đòn chân tấn công”, luôn có mặt trong các buổi biểu diễn.

Đòn Chân Tấn Công 7

Trong các môn võ của Việt Nam, Vovinam được phát triển qui mô và rộng lớn nhất với nhiều môn sinh có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Hoa Kỳ, Maroc, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Ý, Úc, Ấn Độ, Iran, Tây Ban Nha…
Vovinam Việt Võ Đạo được sáng lập bởi Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (1912 – 1960). Dựa trên nền tảng võ và vật cổ truyền của dân tộc, Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc đã hoàn thành việc nghiên cứu Vovinam vào năm 1938.

Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc
Cố Võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc
II. Các mốc lịch sử:

Năm 1938, võ sư Nguyễn Lộc giới thiệu Vovinam ra công chúng.

Cuộc biểu diễn đầu tiên được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào mùa thu năm 1939.

Lớp dạy Vovinam công khai đầu tiên được khai giảng vào đầu mùa Xuân năm 1940 tại trường Sư Phạm (École Normal) đường Cửa Bắc, Hà Nội.

Từ 1960, sau khi võ sư Nguyễn Lộc qua đời, võ sư Lê Sáng tiếp nhận chức Chưởng Môn môn phái và chịu trách nhiệm phát triển và quảng bá rộng rãi Vovinam ra toàn thế giới.

Cố Võ sư Chưởng môn Lê Sáng
Cố Võ sư Chưởng môn Lê Sáng
Ở Pháp, giáo sư Phan Hoàng có công gầy dựng nền móng phát triển Vovinam ở Âu châu kể từ thập niên 1970.

Trong khi đó ở miền Nam Việt Nam kể từ năm 1966 trở đi, môn Vovinam được đưa vào giảng dạy ở một số trường công lập thuộc nền Giáo dục Việt Nam Cộng hòa.

Tháng 10 năm 2007, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 9 năm 2008, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Quốc tế (IVF) diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đổi tên thành Liên đoàn Vovinam Thế giới (WVVF).

Tháng 2 năm 2009, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Châu Á (AVF) diễn ra tại Tehran.

Ngày 31 tháng 3 năm 2010, Chưởng Môn Lê Sáng ký quyết định thành lập Hội Đồng Võ Sư Chưởng Quản Môn Phái. Người đứng đầu hội đồng này được gọi dưới danh hiệu là Chánh Chưởng Quản và là người đứng đầu môn phái.

Như vậy, danh xưng Chưởng Môn trong môn phái sẽ không còn dùng trong tương lai nữa. Kể từ đây, khi gọi Sáng Tổ Nguyễn Lộc, Chưởng Môn Lê Sáng thì đó là những danh hiệu riêng biệt, liên quan đến những thời kỳ đặc biệt của môn phái. Cũng kèm theo đó, võ sư Nguyễn Văn Chiếu được bổ nhiệm làm Chánh Chưởng Quản môn phái.

Ngày 27 tháng 9 năm 2010 (nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần), võ sư Chưởng Môn Lê Sáng qua đời.

Ngày 16 tháng 10 năm 2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Âu (EVVF) diễn ra tại Paris.

Ngày 28 tháng 12 năm 2010, Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á (SEAVF) diễn ra tại Campuchia.

Năm 2011, Vovinam lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia.

Năm 2013, Vovinam lần thứ hai được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar.