Vovinam đã giúp Mai Hữu Tín chấp nhận mọi thách thức, sẵn sàng đối đầu mọi gian khó, không nản lòng khi thất bại, hiểu sự nhỏ bé của bản thân trước cộng đồng và biết tôn trọng mọi cá nhân khác.
Được ví như “võ sỹ trên đấu trường kinh tế”, Mai Hữu Tín cùng những người bạn đã đưa U&I sau 20 năm trở thành tập đoàn đa ngành với hơn 30 công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, giao nhận vận tải, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu.
Mỗi lần gặp Mai Hữu Tín đều để lại một cảm xúc thật sâu đậm trong tôi. Giọng nói ấm áp, nhu hòa, nhưng ẩn chứa một sức mạnh nội tâm từ ái đầy uy lực. Dáng đi vững chãi, nhẹ nhàng, và đặc biệt là nụ cười tủm tỉm lúc nào cũng ngời lên trong mắt. Anh có một cách trò chuyện đầy thuyết phục, luôn biến những điều phức tạp trở nên giản dị nhất nhờ sự tích tụ của kiến thức tự bồi đắp mỗi ngày, những trải nghiệm xương máu trong kinh doanh và sự thấu suốt của một người hành thiền.
Mấy tháng cuối năm, thấy anh xuất hiện cùng cây nạng gỗ, dáng đi tập tễnh, nhiều người tỏ ra ái ngại. Nhưng không. Dường như bệnh tật chẳng mảy may gì đến con người anh. Anh vẫn có mặt ở những nơi cần anh nhất. Đó là cuộc chia sẻ thấu tình đạt lý với những doanh nhân trẻ và giới khởi nghiệp trong hội thảo “Vietnam Business Outlook 2019” do TheLEADER tổ chức. Khi anh cất tiếng, dốc toàn bộ trái tim và kinh nghiệm của mình cho bè bạn doanh nhân, dường như trong anh tỏa ra một thứ ánh sáng khác. Ánh sáng của sự cho đi…
Đọc bài phát biểu của anh trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới về lịch sử Vovinam nhân lễ kỷ niệm 80 năm của môn phái này, mới thật sự thấu hiểu lý tưởng mà anh theo đuổi, đó là con đường cách mạng tâm thân – một cách rèn luyện và tu dưỡng bản thân để giúp chính mình và những thanh niên khác có thân thể khỏe mạnh, tâm hồn cao thượng, vươn đến lối sống tốt đẹp đã được trao truyền từ nhiều đời nhiều kiếp của các vị sáng tổ môn phái Vovinam, một tài sản vô giá của văn hóa và sức mạnh Việt Nam.
Vovinam với một hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo, cùng triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, là tài sản vô giá mà người Việt có thể tự hào cùng với Phở và Áo dài.
Lần đầu tiên, Chủ tịch U&I Group đã trải lòng về mối quan hệ tương hỗ đầy thú vị giữa võ đạo và kinh doanh, như một “võ đường” mà anh muốn lan truyền bằng chính những nỗ lực cụ thể, hàng ngày của mình và đồng đội, để đóng góp vào phong trào võ thuật Việt Nam và thế giới.
– Trong ký ức người Việt, triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ của Vovinam đã trở thành những tài sản vô giá, gắn với những thời kỳ phát triển rực rỡ nào của người Việt thưa anh?
Theo tôi thì thời nào cũng có vì cha ông ta đã dựng nước và giữ nước với những giá trị đó. Còn riêng với tôi thì thời Trần là thời kỳ mà những giá trị này được biểu hiện rõ nhất. Câu chuyện Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tắm cho Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải để xóa bỏ hiềm khích giữa hai người là một ví dụ thật đẹp.
Nhưng những thăng trầm của thời cuộc và lịch sử đã làm tổn thương không nhỏ đến những giá trị này như thế nào theo anh?
Thời cuộc và lịch sử lúc nào chẳng thăng trầm thưa chị? Tôi cho rằng triết lý giáo dục mới là yếu tố chính dẫn đến các thay đổi trong nhận thức, và từ đó là tới hành vi của con người trong một thời kỳ nhất định nào đó.
Đặt ra một cuộc cách mạng Tâm Thân, tinh thần của Vovinam trở nên cần thiết như thế nào với con người hiện đại, để tu dưỡng bản thân và vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn?
Một con người toàn diện, theo tôi, luôn cần đẹp về cả Thân và Tâm. Thiếu đi mặt nào cũng làm cho con người khó đạt được các hoài bão của mình. Đẹp về Thân ở đây cần hiểu là Khỏe và Đủ Sức Chịu Đựng Gian Khó.
– Nhìn lại những nỗ lực của sáng tổ và các bậc tiền bối đi trước, anh học được điều gì quý nhất, để tiếp thêm động lực cho mình trong việc quảng bá sản phẩm văn hóa nổi trội này của người Việt ra thế giới?
Sáng tổ Vovinam Nguyễn Lộc khát khao tạo dựng một võ phái độc đáo của người Việt có thể cạnh tranh với các võ phái lớn khác của thế giới và tạo ra những con người toàn diện phụng sự đất nước. Các bậc tiền bối sau đó, cụ thể là Chưởng môn Lê Sáng, còn tính đến việc biến Việt Võ Đạo – tức triết lý võ thuật của người Việt – thành Nhân Võ Đạo, tức triết lý võ thuật của cả nhân loại.
Những cố gắng đó đều rất to lớn, rất thiêng liêng với từng thân phận của mỗi con người, bao gồm cả các vị ấy. Nhưng họ đều đã dành cả đời mình để tạo dựng nền tảng cho những ý tưởng vĩ đại như vậy. Họ là những người Việt yêu nước và khẳng định lòng yêu nước ấy bằng khả năng quy tụ và cống hiến vô cùng lớn lao. Tôi luôn cảm thấy nhỏ bé trước những năng lực ấy. Và sẽ thật hổ thẹn nếu không góp phần mình vào một sự nghiệp cao quí như vậy.
– VVF sẽ hiện thực hóa việc xây dựng Học viện Vovinam toàn cầu như thế nào thưa anh?
Mô hình tốt nhất cho một học viện võ thuật như vậy đã có và là sự hợp tác công tư của chính quyền Hàn Quốc và Liên đoàn Taekwondo của họ (Học viện Kukkiwon). Chính nhờ vậy mà Taekwondo đã trở thành võ phái số một thế giới hiện nay và góp phần tạo ra giá trị vô cùng to lớn cho văn hóa, du lịch, hình ảnh của đất nước Hàn Quốc.
Chúng tôi đã có đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Hiểu được khó khăn hiện tại của đất nước nên chúng tôi không đặt vấn đề phải được như Hàn Quốc vì Học viện Kukkiwon do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ xây dựng. Chúng tôi chỉ xin hợp tác, theo đó Liên đoàn Vovinam Việt Nam sẽ vận động tài trợ hoàn toàn cho việc xây dựng và vận hành. Chúng tôi chỉ xin nhà nước bố trí địa điểm (đất) phù hợp.
– Vì sao anh quyết định nhận trách nhiệm nặng nề nhất trong VVF? Dù công việc kinh doanh vô cùng bận rộn?
Tôi đã từ chối việc này vài lần vì sợ không đảm đương nổi. Nhưng cuối cùng thì tôi nhận trách nhiệm vì xem đây là một cơ hội lớn đóng góp cho đất nước. Có rất nhiều việc xã hội mà một doanh nhân có thể làm. Việc càng khó thì càng đòi hỏi phải cố gắng và tập trung. Do vậy mà hiện tại tôi gần như không tham gia vào bất kỳ việc xã hội nào khác ngoài Vovinam. Và cũng do vậy mà đã làm phiền lòng nhiều người. Nhưng tôi tin rằng tôi chỉ có thể làm tốt trách nhiệm này khi tập trung tối đa vào đó.
Anh đến với Vovinam từ khi nào? Người thầy lớn nhất của anh trong Vovinam là ai? Anh đã học được điều gì từ người thầy ấy?
Từ năm 1984. Người thầy Vovinam đầu tiên của tôi là thầy Đoàn Văn Viễn ở Bình Dương. Nhưng tôi có rất nhiều thầy khác trong môn phái mà tôi đã và đang học theo. Họ là những võ sư cao niên sống ở những vùng xa xôi nhất của Việt Nam hoặc ở các châu lục khác vẫn miệt mài truyền thụ cho các thế hệ sau miễn phí, là những huấn luyện viên xem Vovinam là sứ mệnh sống dù tuổi còn rất trẻ và có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp khác. Tất cả họ đều gieo vào tôi thêm nhiều niềm tin với con đường đã chọn này.
– Tuổi thơ và tuổi trẻ của anh đã thực sự thay đổi thế nào từ khi tiếp xúc với Vovinam? Đó có phải là cuộc cách mạng Tâm Thân với riêng anh?
Tôi nhận ra rằng phải hoàn thiện mình cả về võ thuật và võ đạo, tức cả Thân và Tâm, và con đường đó chưa bao giờ có điểm đích.
Ngược lại, võ thuật đã giúp anh như thế nào trong điều hành kinh doanh? Anh truyền tải tinh thần thượng võ và tấm lòng xả kỷ cho các lãnh đạo công ty của mình như thế nào, để tạo nên phong cách lãnh đạo đặc trưng cho văn hóa U&I, và tạo nên những bước ngoặt mới cho U&I trong từng lĩnh vực?
Tôi cho rằng Vovinam – cùng với những trải nghiệm quí báu khác của tuổi thơ và việc học tập không ngừng – đã giúp tôi chấp nhận mọi thách thức, sẵn sàng đối đầu với mọi gian khó, không nản lòng khi thất bại, hiểu sự nhỏ bé của bản thân mình trước cộng đồng, và biết tôn trọng mọi cá nhân khác. Tôi cố gắng chia sẻ cách suy nghĩ và hành xử như vậy không chỉ với người của U&I mà với mọi người tôi có may mắn gặp. Nhưng chị biết đấy: Ai cũng cần may mắn cả…
– Để quản lý và điều hành một tập đoàn đa ngành, anh coi trọng triết lý kinh doanh nào nhất? Cách quản trị bằng yêu thương đã được anh hiện thực hóa thế nào?
Gọi là triết lý thì to tát quá. Tôi học từ mọi người và cố gắng ứng dụng điều đã học được trong khả năng cho phép, và tạo cơ hội cho những bạn khác được học, được trải nghiệm. Tôi đối xử với mọi người như cách mà tôi mong họ đối xử với tôi.
Quản trị bằng yêu thương cũng nằm trong nguyên tắc đó. Phải yêu thương mọi người thì mới được mọi người yêu thương chứ. Tôi coi tất cả những người làm việc với mình là đồng nghiệp, là đối tác thật sự chứ không đơn giản là cấp dưới hay cổ đông nhỏ. Tôi ăn thức ăn họ ăn, uống thức uống họ uống, bay vé phổ thông họ bay, chia sẻ buồn vui cũng như thành quả đạt được với họ. Và tôi hạnh phúc khi có thể làm được như vậy.
– Anh có thể cho biết rõ hơn về chiến lược của U&I trong năm 2019? Để hiện thực hóa điều ấy cần nhất với anh và đội ngũ là gì?
Mỗi công ty con của U&I có chiến lược riêng nên khó có thể chia sẻ ở đây. Nhưng vấn đề lớn nhất đã và vẫn đang là làm sao tạo ra, hay có thêm, những nhân sự xuất sắc sẵn sàng dấn thân.
Nỗ lực của U&I trong nông nghiệp sạch là gì, để có thể trở thành một đầu tàu dẫn dắt thêm nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực này, và cổ vũ tinh thần cho những bạn bè doanh nhân lớn cùng bước vào đầu tư nông nghiệp sạch?
Sạch với chúng tôi có nghĩa là an toàn và bán với giá nhiều người có thể chấp nhận được trong khi vẫn bảo đảm mức đầu tư cần thiết. Chúng tôi đã làm được một số việc nhưng chưa dám tự hào nói rằng mình có thể là một đầu tàu. Chỉ có thể nói rằng có thể tồn tại được khi làm nông nghiệp tử tế. Từ dưa lưới và chuối chúng tôi mở rộng sang các loại trái cây khác như nhãn, bơ… và tiếp đến là rau. Làm sao để trong bữa ăn của người Việt có sản phẩm của mình mà mọi người có thể dùng với sự tin tưởng đó là hàng an toàn là động lực chính của mảng này ở U&I.
Với các đàn anh lớn đang đầu tư vào lĩnh vực này chúng tôi chia sẻ hiểu biết đã tích lũy nhiều năm của mình và ủng hộ mọi nỗ lực khai thác tiềm năng của đất nước và con người Việt Nam theo chuẩn quốc tế.
– Anh đánh giá thế nào về sự đồng hành của các bạn trẻ khởi nghiệp bằng công nghệ trong việc tạo nên sự cộng lực cho các tập đoàn? Sự tương hỗ này đòi hỏi điều gì? Liệu đây có phải là cách đi hữu hiệu cho một quốc gia khởi nghiệp?
Những công nghệ mới nhất đang góp phần tạo ra hiệu ứng mạng (network effect) dẫn đến hiện tượng người thắng cuộc được tất (winners take all). Các bạn trẻ có thể đóng góp công sức của mình vào những tập đoàn thắng cuộc như vậy và sống đàng hoàng từ việc cộng lực đó đương nhiên là điều tốt.
Nhưng việc này không nên được hiểu cùng với khái niệm quốc gia khởi nghiệp, bởi mục đích của một quốc gia khởi nghiệp phải là thật nhiều người thành công trong quốc gia đó. Tôi mong nhìn thấy trí tuệ trẻ Việt Nam tham gia vào mọi lĩnh vực đang phát triển vô cùng mạnh mẽ của nhân loại và cố gắng ứng dụng kiến thức đó trên đất nước mình để chúng ta không phải thua ai trong mọi mặt của đời sống. Sự thành công càng có ý nghĩa hơn khi thành công đó gắn với đất nước mình, với dân tộc mình.
– Anh nghĩ gì về vai trò của các tập đoàn, những “tổ phượng hoàng” trong việc hình thành hệ sinh thái kinh doanh đa ngành? Điều đó cần sự ủng hộ và quyết tâm thế nào từ chính phủ?
Đa ngành hay đơn ngành là chọn lựa của từng doanh nhân và không nên gắn lựa chọn đó với nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, sòng phẳng chung của chính phủ. Làm sao để mọi doanh nhân – công hay tư, trong bất kỳ lĩnh vực nào – đều thấy mình được đối xử công bằng, theo những chuẩn mực cao nhất của thế giới, nhất là ở những nước mà chúng ta phải cạnh tranh, thì chúng ta mới đi nhanh được.
Trong quản trị doanh nghiệp và quản trị bản thân thời công nghệ, doanh nhân đang chịu sự thách thức dữ dội giữa những xu hướng quản trị mới thay đổi liên tục, có khi lật đổ tất cả những gì vốn được coi là chân lý… sự tiến về phía trước liên tục liệu có làm anh mất đi cảm xúc? Ngược lại? cách quản trị quá thiên về cảm xúc có làm ngáng đường chúng ta? Nếu không có cảm xúc thì chúng ta đâu còn là con người. Động lực giúp từng người tiến về phía trước cũng là cảm xúc mà? Tôi luôn chọn cân bằng: Có cảm xúc và có khoa học, có sự khôn khéo do trải nghiệm và ý chí tạo ra nhưng cũng cần kiến thức bài bản và lý luận.
– Anh từng trải qua cuộc phẫu thuật đầu gối, và phải làm bạn với chiếc nạng trong một thời gian dài, tâm trạng của anh lúc đó thế nào? Làm thế nào để khai mở và chữa lành nội tâm, để cho ta sức mạnh sáng tạo vô giới hạn và kinh doanh trong tỉnh thức?
Đây là lần phẫu thuật gối trái lần thứ 5, và sẽ còn một lần nữa trong năm 2019 trước khi tôi có thể quay lại với thể thao. Có một chút khó chịu khi không thể di chuyển thoải mái. Nhưng khi là việc cần làm thì phải làm và một chút khó chịu là việc bình thường. Cơ thể chúng ta có khả năng tự chữa lành vô cùng lớn nhưng sự can thiệp của khoa học, nhất là các công nghệ mới, cũng cần thiết.
Tôi tin rằng mình sống tốt thì mọi việc sẽ tốt. Và quả thật là tôi đã trải nghiệm quy luật nhân quả rất nhiều lần trong đời. May mắn là tôi đã sống trong tỉnh thức nhiều năm bằng việc hành thiền nên luôn trải qua mọi cảm xúc thật nhẹ nhàng. Ai cũng cần có khoảng lặng để rũ bỏ mọi phiền não và mỉm cười trước mọi cớ sự.
– Điều anh sợ nhất là gì? Câu chuyện của riêng anh để vượt qua những giới hạn liên tục, tìm kiếm hạnh phúc, để là mình hơn nữa?
Riêng cho mình thì tôi không còn có gì để sợ. Việc gì phải đến thì cứ đến thôi. Tôi nghĩ tôi đã chuẩn bị ổn về mặt tinh thần để mọi mất mát, nếu có, đều là những trải nghiệm do chính mình gây ra và do vậy mà phải do chính mình gánh chịu. Nhưng đúng là có lo lắng cho đất nước, nhất là với giáo dục.
Kim Yến
Theo TheLEADER